Khi công nghệ ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, các nền tảng Low-code/No-code đã mở ra cơ hội lớn cho việc cải thiện quy trình vận hành. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đảm bảo rằng Low-code/No-code mang lại giá trị thực sự. Việc đánh giá đúng ROI từ nền tảng này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí mà còn giúp doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích lâu dài mà công nghệ mang lại.
Low-code/No-code và cơ hội tối ưu hóa quy trình vận hành
Low-code/No-code là những nền tảng phát triển phần mềm cho phép người dùng tạo ứng dụng mà không cần phải có kỹ năng lập trình chuyên sâu, thông qua giao diện trực quan và các công cụ kéo-thả.
Với những đặc tính này, Low-code/No-code giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào đội ngũ IT, cho phép các phòng ban và người dùng không chuyên về công nghệ tự phát triển và tùy chỉnh các ứng dụng phù hợp với nhu cầu cụ thể. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường tính linh hoạt, giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường và quy trình.
Làm sao để doanh nghiệp biết Low-code/No-code có thực sự tiềm năng khi triển khai hay không?
Để bắt đầu triển khai Low-code/No-code, một trong những câu hỏi quan trọng mà doanh nghiệp cần trả lời là liệu nền tảng này có thực sự mang lại giá trị lâu dài và giúp đạt được mục tiêu chiến lược hay không. Muốn trả lời câu hỏi này, không thể chỉ dựa vào cảm nhận hay lời hứa về tiết kiệm chi phí và tăng trưởng. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phải đo lường hiệu quả và tiềm năng thực sự của Low-code/No-code thông qua các chỉ số ROI (lợi tức đầu tư) rõ ràng và cụ thể.
Xác định mục tiêu cốt lõi chính là bước quan trọng đầu tiên trong việc đo lường ROI của Low-code/No-code.
Bạn có thể dựa trên một vài dữ liệu chính để xác định mục tiêu cốt lõi, như:
- Xác định mục tiêu chiến lược nào mà nền tảng này sẽ giúp doanh nghiệp đạt được: Liệu Low-code/No-code có thể thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển ứng dụng, hay giúp cải thiện khả năng phản ứng của doanh nghiệp trước những thay đổi trong thị trường? Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xem xét các chỉ số hiệu suất chính (KPI) có liên quan đến mục tiêu của mình, ví dụ như thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tỷ lệ áp dụng hoặc năng suất làm việc.
- Xác định nhóm người sử dụng nền tảng cũng rất quan trọng: Nếu nền tảng Low-code/No-code chủ yếu phục vụ các nhà phát triển, KPI sẽ tập trung vào việc cải thiện đầu ra CNTT và tăng cường năng suất phát triển phần mềm. Ngược lại, nếu mục tiêu là thu hút các nhà citizen developer, KPI sẽ liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số và tăng trưởng trong việc sử dụng công cụ tự tạo ứng dụng.
Các chỉ số ROI cần xem xét và cách đo lường khi doanh nghiệp triển khai Low-code/No-code
Chiến lược công nghệ ở mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau, nhưng các chỉ số chính để đo lường ROI của doanh nghiệp thông thường đều xoay quanh chi phí, hiệu suất và mức độ ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số. Dưới đây là 4 yếu tố quan trọng mà bạn cần theo dõi để tối ưu hóa ROI từ nền tảng phát triển của mình:
1. Chi phí IT
Mặc dù ngân sách IT của doanh nghiệp có thể không eo hẹp, nhưng vấn đề mở rộng công nghệ vẫn là một thách thức lớn. Các nền tảng Low-code/No-code giúp tiết kiệm chi phí theo hai cách chính:
- Giảm bớt chi phí nhân lực: Thay vì phải thuê thêm lập trình viên hoặc chuyên gia IT, Low-code/No-code cho phép doanh nghiệp phát triển ứng dụng mà không cần kỹ năng lập trình chuyên sâu, từ đó giảm sự phụ thuộc vào đội ngũ IT.
- Thay thế các công cụ phần mềm riêng biệt mà mỗi phòng ban sử dụng: Nghiên cứu cho thấy, giải pháp Low-code/No-code có thể thay thế tới 8 công cụ phần mềm “1 điểm” (single-point software), giúp giảm chi phí duy trì và tăng tính đồng bộ.
Ngoài ra, nền tảng này còn giúp doanh nghiệp tạo ra số lượng ứng dụng không giới hạn, giảm chi phí phát triển ứng dụng khi quy mô sử dụng tăng lên. Theo Forrester, nền tảng Low-code/No-code có thể giảm 70% chi phí phát triển so với phương pháp truyền thống.
Cách đo lường chỉ số này:
- So sánh chi phí phát triển: Đo lường chi phí phát triển và bảo trì ứng dụng khi áp dụng và khi không áp dụng Low-code/No-code.
- So sánh nhân lực: Tính toán chi phí giảm được nhờ vào việc giảm số lượng lập trình viên IT cần thiết, cũng như chi phí phần mềm và công cụ phát triển.
- Ước tính bất kỳ tài nguyên bổ sung: Các nguồn lực cần có nếu doanh nghiệp có và không có nền tảng Low-code/No-code.
2. Thời gian đưa sản phẩm ra thị trường (Time-to-market)
Time-to-market (thời gian từ khi bắt đầu phát triển ứng dụng đến khi ra mắt sản phẩm) là một chỉ số quan trọng khi đánh giá ROI. Nền tảng Low-code/No-code giúp giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường nhờ vào các yếu tố: giao diện trực quan và công cụ kéo-thả giúp phát triển ứng dụng nhanh chóng mà không cần lập trình chuyên sâu; khả năng phát triển nhanh và thử nghiệm linh hoạt, tiết kiệm thời gian bảo trì và nâng cấp thông qua tự động hóa; tái sử dụng mã và thành phần đã có sẵn, và tạo sự hợp tác nhanh chóng giữa IT và các bộ phận khác. Những yếu tố này giúp doanh nghiệp nhanh chóng phản hồi nhu cầu thị trường và đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian ngắn.
Cách đo lường chỉ số này:
- Thời gian phát triển ứng dụng: So sánh thời gian cần thiết để phát triển ứng dụng với và không có nền tảng Low-code/No-code.
- Tăng trưởng nhanh chóng: Đo lường số lượng ứng dụng được phát triển trong thời gian ngắn và khả năng đưa các sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.
Các công ty sử dụng nền tảng Low-code/No-code được chứng minh có thể giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường lên đến hơn 50%, giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và bắt kịp các cơ hội mới.
3. Năng suất và hiệu quả của đội ngũ phát triển
Nền tảng Low-code/No-code giúp giảm công việc lặp lại, phát triển ứng dụng nhanh và nâng cao hiệu quả đội ngũ phát triển. Các citizen developer có thể tự tạo ứng dụng, giảm sự phụ thuộc vào IT.
Từ đó, đội ngũ IT sẽ có thêm thời gian và không gian để tập trung vào các ứng dụng lớn hơn và quan trọng hơn. Các developer chuyên nghiệp có thể dành nhiều thời gian hơn để tạo ra tác động lớn hơn đến hoạt động kinh doanh cốt lõi thay vì chạy theo mọi yêu cầu ứng dụng xuất hiện.
Cách đo lường chỉ số này:
- Năng suất phát triển: Đo lường số lượng ứng dụng mà đội ngũ phát triển có thể hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định, trong khoảng thời gian có và không có nền tảng Low-code/No-code.
- Tăng trưởng trong số lượng ứng dụng: Đo lường số lượng ứng dụng mà các bộ phận không phải IT có thể tạo ra và triển khai mà không cần sự trợ giúp từ lập trình viên.
4. Mức độ cải tiến quy trình và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của các CIO, đặc biệt khi các hệ thống chính đã được số hóa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các quy trình còn lại gặp khó khăn lớn vì các giải pháp truyền thống không đủ linh hoạt. Nền tảng Low-code/No-code giúp đẩy nhanh quá trình này, với 69% nhà lãnh đạo IT cho biết họ chọn Low-code/No-code vì khả năng tăng tốc chuyển đổi số, giảm tải cho IT và thúc đẩy sự tham gia của các bộ phận khác vào quá trình chuyển đổi.
Cách đo lường chỉ số này:
- So sánh lộ trình chuyển đổi số: Đo lường sự thay đổi trong lộ trình chuyển đổi số trước và sau khi triển khai nền tảng Low-code/No-code. Xác định các yêu cầu dễ dàng mà các bộ phận không phải IT có thể tự chuyển đổi sang môi trường số.
- Tiết kiệm thời gian: Tính toán thời gian rút ngắn được từ toàn bộ lộ trình chuyển đổi số nhờ vào việc sử dụng nền tảng Low-code/No-code. Đo lường mức độ hoàn thiện của quá trình chuyển đổi số so với kế hoạch ban đầu.
Những sai lầm khi đánh giá ROI khiến doanh nghiệp “ảo tưởng lợi nhuận”
Khi đánh giá ROI của nền tảng Low-code/No-code, nhiều doanh nghiệp mắc phải những sai lầm phổ biến khiến họ không thể nhận diện được lợi ích thực sự và dẫn đến ảo tưởng về lợi nhuận. Dưới đây là những sai lầm cần tránh:
- Đo ROI mà không có baseline (mốc so sánh): Một trong những sai lầm lớn nhất là không thiết lập mốc so sánh ban đầu trước khi triển khai nền tảng Low-code/No-code. Việc thiếu một baseline rõ ràng khiến doanh nghiệp không thể đánh giá chính xác hiệu quả của nền tảng, từ đó không thể đo lường được sự thay đổi và cải tiến thực tế sau khi triển khai.
- Tập trung vào chi phí, bỏ qua chi phí ẩn: Nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào chi phí ban đầu khi triển khai nền tảng Low-code/No-code mà bỏ qua các chi phí ẩn như thời gian quản lý, đào tạo nhân viên, bảo trì và cập nhật hệ thống. Những chi phí này có thể ảnh hưởng đáng kể đến ROI tổng thể và cần được tính toán một cách đầy đủ và chính xác.
- Đánh giá thiếu dữ liệu về năng suất và mức độ hài lòng nội bộ: Để có cái nhìn toàn diện về ROI, doanh nghiệp cần đo lường năng suất và mức độ hài lòng của các bộ phận sử dụng nền tảng Low-code/No-code. Nếu chỉ tập trung vào các chỉ số tài chính mà không đo lường sự cải thiện về hiệu quả công việc và sự hài lòng của nhân viên, doanh nghiệp có thể bỏ qua những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công lâu dài của nền tảng.
Tránh những sai lầm này sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác hơn ROI của nền tảng Low-code/No-code, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và tối ưu hóa lợi nhuận lâu dài.
Kết
Nền tảng Low-code/No-code không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và rút ngắn thời gian phát triển mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của Low-code/No-code, doanh nghiệp cần đánh giá ROI một cách chính xác, từ đó tránh những sai lầm dẫn đến “ảo tưởng lợi nhuận”. Đo lường đúng đắn ROI là chìa khóa để đảm bảo rằng nền tảng này thực sự mang lại giá trị lâu dài và góp phần vào sự thành công bền vững của doanh nghiệp trong một thế giới đầy biến động. Liệu doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng để nhìn nhận toàn diện về ROI và không chỉ chú trọng vào chi phí ban đầu?