70% các dự án chuyển đổi số và sáng kiến thay đổi có mức độ phức tạp cao đều thất bại. Điều này có nghĩa là, phần lớn nỗ lực đổi mới trong quản trị dữ liệu và vận hành đều không mang lại kết quả như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp đang ngập trong “biển” dữ liệu, nhưng không tăng trưởng, không thể vận hành đồng bộ, và thiếu chiến lược sử dụng dữ liệu để lập kế hoạch hoặc ra quyết định.
Làm sao để phá vỡ vòng lặp thất bại này? Câu trả lời nằm ở một khái niệm giải pháp mới: Nền tảng vận hành số – Digital Operations Platform (DOP) – chủ đề sẽ được khám phá trong bài viết hôm nay.
Nền tảng vận hành số (Digital operations platform – DOP) là gì?
Nền tảng vận hành số (Digital Operations Platform – DOP) là một nền tảng vận hành tích hợp thế hệ mới, đảm bảo tính sẵn sàng khi cho phép doanh nghiệp xây dựng và lắp ghép linh hoạt mọi quy trình công việc, từ đó tạo đà khai thác và kiến trúc trúc dữ liệu để cung cấp các dịch vụ số một cách nhanh chóng trong tương lai.
Nền tảng DOP có tính tùy chỉnh và mở rộng cao, có khả năng tích hợp nhanh chóng với các công nghệ mới.
Theo Forrester, nền tảng vận hành số DOP là một trong những lựa chọn chiến lược trong việc xây dựng các ứng dụng vận hành lõi của doanh nghiệp, đảm bảo sự thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường và khách hàng. DOP là công nghệ chiến lược được thiết kế với đảm bảo tính phù hợp của doanh nghiệp không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai.
Một nền tảng vận hành số hiệu quả sẽ góp phần biến đổi doanh nghiệp thành mô hình mà Gartner gọi là “composable business” – một tổ chức được thiết kế từ các mảnh ghép (component) có thể tái cấu trúc và kết hợp linh hoạt trong bối cảnh thị trường thay đổi, thay vì bị giới hạn trong các hệ thống cứng nhắc và khó thay đổi.
Việc áp dụng nền tảng vận hành số còn mang lại nhiều lợi ích đột phá cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt:
- Tích hợp end-to-end hoàn chỉnh: Nền tảng vận hành số kết nối toàn bộ hoạt động bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp trong một nền tảng duy nhất, cung cấp cái nhìn tổng quan cho CEO.
- Tự động hóa quy trình thông minh: Giảm thao tác thủ công, dự báo trước các rủi ro như đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc biến động nhu cầu.
- Tối ưu hóa chi phí vận hành: Giảm chi phí duy trì nhiều hệ thống riêng biệt, cắt giảm lỗi và công việc lặp lại, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên dựa trên dữ liệu thực tế.
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng và nhân viên: Tạo ra trải nghiệm liền mạch cho cả khách hàng và nhân viên. Khách hàng nhận được dịch vụ nhất quán trên mọi kênh tiếp xúc. Nhân viên sử dụng giao diện thống nhất, giảm thời gian đào tạo và tăng hiệu suất. Đối tác được tích hợp dễ dàng vào nền tảng số của doanh nghiệp.
Sự khác biệt giữa nền tảng vận hành số (DOP) và ERP truyền thống
Để hiểu rõ giá trị của nền tảng vận hành số (DOP), hãy so sánh với hệ thống phần mềm truyền thống mà doanh nghiệp thường sử dụng như hệ thống ERP:
Tiêu chí | ERP | DOP |
Mục tiêu | Quản lý toàn diện tài nguyên doanh nghiệp, giúp cải thiện doanh thu nhờ tự động hóa doanh nghiệp, cắt giảm chi phí vận hành từng bộ phận, phòng ban. | Tạo nền tảng để doanh nghiệp linh hoạt xây dựng, lắp ghép và mở rộng quy trình, tăng tốc khả năng thích ứng và đổi mới liên tục, giúp cải thiện doanh thu bằng việc khai thác và kiến trúc dữ liệu. |
Cấu trúc | Thiết kế như một trung tâm điều khiển toàn bộ các phân hệ/nghiệp vụ trong doanh nghiệp, bao gồm: Kế toán tài chính, Lập kế hoạch và quản lý sản xuất, Quản lý mua hàng, Quản lý bán hàng và phân phối, Quản lý dự án, Quản lý nhân sự, Quản lý dịch vụ, Quản lý hàng tồn kho, Báo cáo thuế, Báo cáo quản trị. | Thiết kế dạng mô-đun mở, có thể tích hợp, cấu hình hoặc mở rộng theo từng giai đoạn và nhu cầu cụ thể. |
Dữ liệu | Tất cả các dữ liệu của các phân hệ tích hợp được quản lý tập trung và tổ chức theo hệ quản trị cơ sở dữ liệu (database management system), thường có độ trễ. | Dữ liệu liên kết theo từng app và bảng dữ liệu, tự động cập nhật theo thời gian thực, linh hoạt kết nối dữ liệu giữa các app. |
Tự động hoá | Tự động xử lý tác vụ theo quy trình định sẵn, cần IT để thiết lập hoặc thay đổi. | Tự động hóa mạnh mẽ nhờ trigger – action – flow, người dùng không có kiến thức kỹ thuật có thể tự tạo rule và workflow. |
Mức độ linh hoạt | Mức độ linh hoạt tùy thuộc vào phương pháp triển khai phần mềm: Phương pháp triển khai cố định (hay còn gọi là phương pháp triển khai tiêu chuẩn), hoặc phương pháp triển khai linh hoạt (doanh nghiệp có thể tùy chỉnh hệ thống phần mềm theo nhu cầu). | Mở, linh hoạt, có khả năng mở rộng và tùy biến theo mô hình kinh doanh hoặc quy mô doanh nghiệp. |
Khả năng ứng dụng AI, dữ liệu nâng cao | Có thể tích hợp nhưng cần cấu hình riêng biệt, tốn chi phí. | Dễ tích hợp các nền tảng AI hoặc BI bên ngoài (Power BI, Chatbot…), tự tạo dashboard, phân tích dữ liệu ngay trong nền tảng. |
Phù hợp với doanh nghiệp | Doanh nghiệp lớn với quy trình ổn định và rõ ràng, không thay đổi thường xuyên, cần chuẩn hoá cao. | Doanh nghiệp SME đến doanh nghiệp lớn đang đổi mới mô hình kinh doanh, cần tốc độ và sự linh hoạt. |
Chi phí | Thường cao, do quá trình triển khai, vận hành đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phòng ban. | Thấp hơn, có thể triển khai dần theo nhu cầu. Tiết kiệm nhân sự, chi phí vận hành. |
Những công nghệ nào giúp nền tảng vận hành số (DOP) tạo nên nhiều lợi thế trong thị trường cạnh tranh?
DOP hiện đại cung cấp một bộ tính năng toàn diện giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả trong môi trường kinh doanh số. Dưới đây là những tính năng/công nghệ quan trọng tạo nên sức mạnh của DOP:
1. Kiến trúc MACH
DOP hiện đại được xây dựng trên nền tảng kiến trúc MACH (Microservices, API-first, Cloud-native SaaS, Headless), mang lại môi trường linh hoạt và khả năng mở rộng cao cho doanh nghiệp:
- Microservices: Phân tách hệ thống thành các dịch vụ độc lập, cho phép phát triển, triển khai và mở rộng từng thành phần riêng biệt mà không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
- API-first: Thiết kế lấy API làm trung tâm, tạo điều kiện tích hợp liền mạch với các hệ thống bên trong và bên ngoài.
- Cloud-native SaaS: Tối ưu hóa cho môi trường đám mây, mang lại khả năng mở rộng, tính sẵn sàng cao và mô hình chi phí linh hoạt.
- Headless: Tách biệt logic nghiệp vụ (back-end) và giao diện người dùng (front-end), cho phép tùy biến trải nghiệm trên nhiều kênh.
2. Công nghệ Low-code/No-code
No-code/Low-code là phương pháp phát triển phần mềm dựa trên giao diện trực quan, giúp người không chuyên về kỹ thuật vẫn có thể xây dựng, lắp ghép và tự động hóa quy trình vận hành.
- Giảm rào cản công nghệ: Khác với kiến trúc truyền thống yêu cầu đội ngũ lập trình viên chuyên sâu, No-code/Low-code trao quyền cho các phòng ban nghiệp vụ – những người hiểu rõ quy trình nhất – chủ động thiết kế và cải tiến giải pháp theo nhu cầu thực tế.
- Tối ưu chi phí và nhân lực IT: Thay vì mở rộng liên tục đội ngũ phát triển, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn lực nội bộ, tập trung nguồn lực IT cho các bài toán cốt lõi và có tính chiến lược cao hơn.
- Tích hợp dễ dàng: No-code/Low-code hiện đại hỗ trợ kết nối API, webhook, cơ sở dữ liệu… giúp hệ thống dễ dàng liên kết và mở rộng theo kiểu “lắp ghép”.
Với những kiến trúc và công nghệ trên, nền tảng vận hành số (DOP) tạo ra hệ thống vận hành linh hoạt và có khả năng tự điều chỉnh, giúp doanh nghiệp chuyển từ trạng thái “phản ứng” sang “dự đoán và chủ động” hơn.
Muốn áp dụng nền tảng vận hành số (DOP) thành công, doanh nghiệp cần triển khai với tư duy nào?
DOP tiềm năng là như vậy, nhưng doanh nghiệp không nên nghĩ rằng: thành công của việc triển khai một nền tảng vận hành số phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố công nghệ.
Vì triển khai DOP không chỉ là việc cài đặt một phần mềm. Đó là cả một quá trình chuyển đổi toàn diện, đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, năng lực, quy trình đào tạo và văn hóa doanh nghiệp.
Mức độ thành công khi áp dụng DOP theo đó cũng được xác định bởi sự kết hợp tinh tế giữa các yếu tố chiến lược, kỹ thuật và nhân văn.
Những doanh nghiệp dẫn đầu hiểu rằng giá trị không nằm ở việc triển khai công nghệ đơn thuần, mà ở sự liên kết chặt chẽ giữa DOP với mục tiêu kinh doanh cốt lõi. Họ đạt thành công vượt trội nhờ:
- Xây dựng kiến trúc dữ liệu thống nhất.
- Thiết lập quy trình quản lý thay đổi bài bản.
- Nuôi dưỡng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc tích hợp DOP với các hệ thống hiện có, đảm bảo tính liên tục và liền mạch của dữ liệu:
- Nếu hệ thống hiện tại cho phép tích hợp: Doanh nghiệp có thể kết nối dữ liệu với DOP mới qua API hoặc các công cụ trung gian (middleware), bắt đầu từ các quy trình quan trọng nhất.
- Nếu hệ thống hiện tại không cho phép tích hợp: Doanh nghiệp cần chuyển đổi dữ liệu (data migration) từ hệ thống cũ sang nền tảng mới để tích hợp dễ hơn.
Xu hướng phát triển của nền tảng vận hành số trong tương lai
Dưới đây là một số xu hướng chính sẽ định hình DOP trong thời gian tới:
1. Kiến trúc có thể tái cấu trúc (Composable Architecture)
Thay vì các hệ thống cứng nhắc, DOP tương lai sẽ theo mô hình “composable” – nơi các chức năng được xây dựng như những “khối LEGO” độc lập. Mỗi khối có thể dễ dàng thêm, bớt, hoán đổi hoặc kết nối với nhau mà không làm gián đoạn toàn hệ thống:
- Tùy chỉnh các khối chức năng theo nhu cầu mà không cần viết lại toàn bộ hệ thống.
- Thay đổi nhanh chóng khi thị trường biến động, không tốn nhiều chi phí và nguồn lực phát triển lại từ đầu.
- Tích hợp liền mạch với công nghệ mới nổi thông qua API và các tiêu chuẩn mở.
2. Vận hành dựa trên thời gian thực (Real-time Operations)
DOP thế hệ mới không chỉ ghi nhận dữ liệu – mà phải hành động tức thì. Mọi quyết định kinh doanh sẽ được đưa ra dựa trên dữ liệu đang diễn ra thực tế:
- Dữ liệu tức thời từ các điểm chạm vận hành – từ kho hàng, đơn hàng, nhân sự đến hệ thống chăm sóc khách hàng.
- Phân tích ngay lập tức giúp phát hiện bất thường, xu hướng và cơ hội trong tích tắc.
- Phản ứng tự động, có thể tự động kích hoạt cảnh báo, gợi ý hành động hoặc điều chỉnh quy trình mà không cần can thiệp thủ công.
3. Siêu tự động hóa (Hyper-Automation)
DOP trong tương lai không chỉ dừng lại ở việc tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, mà sẽ tiến tới mức siêu tự động hóa – nơi mọi quy trình, từ đơn giản đến phức tạp, đều có thể được tự động hóa thông minh nhờ sự kết hợp giữa:
- RPA (Robotic Process Automation): Tự động hóa thao tác thủ công lặp lại.
- AI & Machine Learning: Học hỏi và tối ưu quyết định theo thời gian.
- BPM: Quản lý quy trình kinh doanh.
- No-code/Low-code platforms: Giúp mọi bộ phận tự tạo và triển khai quy trình một cách chủ động.
Hyper-Automation không chỉ giúp tăng hiệu suất, giảm lỗi vận hành mà còn giải phóng con người khỏi các công việc thủ công, để tập trung vào những nhiệm vụ mang tính chiến lược và sáng tạo hơn. Trong một thế giới vận hành số ngày càng nhanh và phi tập trung, đây sẽ là yếu tố quyết định khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
Kết
Nền tảng vận hành số – Digital Operations Platform (DOP) không chỉ là một công cụ công nghệ mà là một giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu suất và duy trì lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Với khả năng tích hợp, tự động hóa và phân tích dữ liệu, DOP đang trở thành yếu tố không thể thiếu trong hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp SME tại Việt Nam.
Đừng quên thành công khi triển khai doanh nghiệp với nền tảng vận hành số đòi hỏi tầm nhìn từ lãnh đạo cao nhất, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và khả năng thích ứng nhanh với thị trường.