Trong hành trình tăng tốc chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp chọn cách đi “đường tắt” – ưu tiên tốc độ thay vì đầu tư vào một nền tảng vững chắc. Những bản vá nhanh, những cập nhật tạm thời có thể giúp đạt được mục tiêu ngắn hạn, nhưng lại âm thầm chất chồng thêm “nợ kỹ thuật”.
Và càng trì hoãn, khoản nợ technical debt này càng phình to – làm chậm đổi mới, kéo dài thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tăng chi phí bảo trì và ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm khách hàng.
Vậy technical debt là gì? Có thể đo lường và giải quyết được không? Nếu hiểu và tiếp cận đúng đắn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể kiểm soát và tập trung lại nguồn lực công nghệ của mình vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp!
Technical debt (nợ kỹ thuật) là gì?
Technical debt (nợ kỹ thuật) là thuật ngữ được Ward Cunningham – một trong những người sáng lập Agile Manifesto đưa ra, chỉ “món nợ” phát sinh dùng để duy trì và cải thiện các hệ thống/phần mềm đã được xây dựng một cách thiếu tầm nhìn và tư duy hệ thống, thường xuất phát từ:
- Áp lực thời gian
- Yêu cầu thay đổi liên tục
- Thiếu hụt nhân lực
- Thiết kế hệ thống kém
- Công nghệ lỗi thời
Hiểu một cách đơn giản, nợ kỹ thuật là chi phí trì hoãn công việc cần thiết trên các hệ thống phần mềm hoặc cơ sở hạ tầng hoạt động để đạt được các mục tiêu ngắn hạn.
Theo ước tính trong 1 khảo sát của MCKinsey, các “món nợ” liên quan đến công nghệ chiếm từ 20-40% giá trị toàn bộ tài sản công nghệ của một công ty (trước khi khấu hao).
Với một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, con số này có thể là hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nếu con số khổng lồ này không được xử lý, nó sẽ:
- Làm chậm tốc độ phát triển của ứng dụng mới
- Tăng chi phí bảo trì và sửa lỗi
- Gây khó khăn cho việc tích hợp hệ thống
- Giảm hiệu suất và độ ổn định của ứng dụng
- Cản trở sự đổi mới và khả năng cạnh tranh trong kinh doanh
- Thậm chí có thể dẫn đến việc cả hệ thống ngừng hoạt động
Ví dụ về technical debt thường gặp trong vận hành doanh nghiệp
Thông thường, nợ kỹ thuật có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức:
- Nợ cố ý: Khi các đội phát triển chủ động chọn giải pháp nhanh hơn để đáp ứng deadline thị trường, với kế hoạch (thường không thực hiện được) sẽ hoàn thiện sau.
- Nợ vô ý: Phát sinh do thiếu kinh nghiệm, quy trình kém hoặc sự hiểu biết không đầy đủ về yêu cầu dự án.
- Nợ do môi trường: Xuất hiện khi công nghệ, framework hay thư viện trở nên lỗi thời.
- Nợ kiến trúc: Liên quan đến những quyết định thiết kế hệ thống sai lầm mà việc sửa chữa đòi hỏi nỗ lực lớn của cả doanh nghiệp.
Một số ví dụ về nợ kỹ thuật ở các doanh nghiệp dễ thấy như:
- Các công ty thương mại điện tử phát triển/sử dụng một hệ thống quản lý đơn hàng trong nhiều năm. Nhưng trong thời gian trên, doanh nghiệp chưa chuẩn hóa quy trình, cộng thêm nhân sự thay đổi liên tục, hệ thống quản lý này trở nên rối rắm và không hiệu quả. Khi có nhu cầu muốn thêm tính năng mới, ví dụ như “Quản lý quy trình đổi/trả hàng”, đội ngũ phát triển trong công ty hoặc của bên cung cấp mất nhiều thời gian để lập trình chỉnh sửa và thêm tính năng, dẫn đến dự án bị chậm trễ và vượt quá ngân sách.
- Hoặc một ví dụ khác ở các công ty phần mềm phát triển ứng dụng CRM. Dưới áp lực cạnh tranh, công ty liên tục thêm các tính năng mới mà không đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng. Ứng dụng CRM ngày một trở nên cồng kềnh, khó sử dụng, và người dùng chỉ sử dụng một phần nhỏ các tính năng.
Điểm chung ở đây là: trong tình huống các hệ thống vận hành doanh nghiệp trở nên phức tạp, chi phí duy trì hệ thống sẽ ngày càng cao, khả năng đổi mới càng thấp đi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong khả năng cạnh tranh ở kỷ nguyên số.
Nợ kỹ thuật trở thành vấn đề kinh doanh, không phải là vấn đề công nghệ nữa.
Doanh nghiệp nào trả được càng nhiều “món nợ kỹ thuật” thì có thể thay đổi được “cuộc chơi” chuyển đổi số hiện tại.
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp có thể bắt đầu trả nợ kỹ thuật của mình?
Phương pháp phát triển phần mềm Low-code/No-code ra đời và ngày càng phát triển đã giúp doanh nghiệp tạo ra ứng dụng nhanh chóng hơn, tuỳ chỉnh linh hoạt hơn, và góp phần giảm thiểu nợ kỹ thuật.
Low-code/No-code hoạt động như thế nào?
Low-code/No-code là các phương pháp phát triển phần mềm cho phép người dùng tạo ra các ứng dụng mà không cần hoặc cần rất ít kiến thức về lập trình truyền thống, thường sử dụng giao diện đồ họa kéo-thả và các thành phần đã được cấu hình trước.
- No-code: Cho phép tạo ứng dụng hoàn toàn không cần code, tập trung vào cấu hình và sử dụng các thành phần có sẵn, hướng đến người dùng kinh doanh có chuyên môn sâu nhưng không có kiến thức kỹ thuật, áp dụng thực tế với các ứng dụng đơn giản và front-end.
- Low-code: Cho phép phát triển ứng dụng bằng giao diện kéo-thả nhưng vẫn hỗ trợ tùy chỉnh code, hướng đến nhà phát triển phần mềm và người có kiến thức kỹ thuật cơ bản, áp dụng thực tế với các ứng dụng phức tạp hơn, với quy mô doanh nghiệp.
Ưu điểm nổi bật của các phần mềm Low-code/No-code:
- Phát triển nhanh: Giảm thời gian viết code, cho phép nhanh chóng tạo ra các ứng dụng đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
- Bảo trì dễ dàng: Giao diện trực quan giúp sửa đổi nhanh, không lệ thuộc vào lập trình viên ban đầu.
- Tích hợp linh hoạt: Hỗ trợ kết nối API, tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn.
- Trao quyền cho người dùng: Cho phép người dùng không có kiến thức lập trình cũng có thể tham gia vào quá trình phát triển ứng dụng, giảm sự phụ thuộc vào đội ngũ IT.
Low-code/No-code giúp giảm thiểu technical debt như thế nào?
Nợ kỹ thuật là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hành trình phát triển phần mềm nào – dù doanh nghiệp sử dụng công nghệ truyền thống hay một nền tảng như Low-code/No-code. Bởi lẽ bất kỳ lựa chọn phát triển nào cũng luôn đi kèm với các đánh đổi về thời gian, nguồn lực hoặc cấu trúc hệ thống. Điều quan trọng là mức độ nợ kỹ thuật được kiểm soát và khả năng “trả nợ” nhanh đến đâu.
Với bản chất linh hoạt, trực quan và dễ tái cấu trúc, Low-code/No-code không thể xóa bỏ hoàn toàn nợ kỹ thuật, nhưng giúp doanh nghiệp giảm thiểu nợ kỹ thuật đáng kể nhờ vào các đặc điểm sau:
1. Phát triển theo hướng mô hình Agile (Agile Model-Driven Development – AMDD)
Phát triển theo hướng mô hình Agile (Agile MDD) trong nền tảng Low-code/No-code kết hợp tính linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh của phương pháp Agile với cấu trúc rõ ràng và độ chính xác của mô hình hóa. Nhờ giao diện trực quan và các thành phần dựng sẵn, doanh nghiệp có thể rút ngắn vòng lặp phát triển, giảm lỗi kỹ thuật và tăng kết nối giữa người dùng nghiệp vụ với đội ngũ kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm đúng nhu cầu ngay từ đầu.
2. Phát triển MVP nhanh
Các doanh nghiệp có thể tạo ra các nguyên mẫu/sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) nhanh chóng để kiểm thử ý tưởng, nhận phản hồi từ người dùng/khách hàng nhanh chóng mà không cần đầu tư quá sớm vào kiến trúc phức tạp – từ đó tránh xây sai, sửa nhiều.
3. Chuẩn hóa và tái sử dụng thành phần
Nhờ sử dụng các khối chức năng dựng sẵn, lập trình viên tránh được việc viết mã lặp lại, từ đó hạn chế lỗi và giúp bảo trì dễ dàng hơn. Việc tái sử dụng giao diện, tích hợp, logic… giúp đảm bảo tính nhất quán trong toàn hệ thống.
4. Tích hợp dữ liệu nhanh chóng
Không cần viết các dòng mã phức tạp để tích hợp dữ liệu, Low-code/No-code cho phép kết nối nhanh chóng qua các API dựng sẵn, hỗ trợ các ứng dụng hướng dữ liệu và ra quyết định nhanh, giảm lỗi tích hợp và chi phí bảo trì hệ thống về lâu dài.
5. Không yêu cầu hạ tầng phức tạp
Các nền tảng Low-code/No-code không yêu cầu cấu hình hạ tầng phức tạp hay cài đặt phần mềm bổ sung, giúp đơn giản hóa triển khai và rút ngắn thời gian đưa ứng dụng ra thị trường, giảm chi phí đáng kể.
Như vậy, thay vì để một lượng lớn thời gian của đội ngũ phát triển rơi vào việc sửa lỗi và bảo trì, Low-code/No-code đã cho phép doanh nghiệp tập trung hơn vào những sáng kiến mang lại giá trị thật.
Thời điểm phù hợp để doanh nghiệp áp dụng nền tảng Low-code/No-code
Việc xác định thời điểm thích hợp để đưa giải pháp low-code/no-code vào chiến lược công nghệ của doanh nghiệp không có một công thức cố định. Mỗi tổ chức có những nhu cầu, thách thức và nguồn lực khác nhau, đòi hỏi một cách tiếp cận cá nhân hóa thay vì áp dụng một mô hình “một kích cỡ phù hợp cho tất cả”.
Quyết định này phụ thuộc vào nhiều yếu tố then chốt:
- Độ phức tạp của hệ thống bạn cần xây dựng:
- Thời gian và ngân sách có sẵn cho việc phát triển:
- Mục tiêu kinh doanh dài hạn
- Khả năng tích hợp với hệ sinh thái công nghệ hiện tại của doanh nghiệp.
Ví dụ một số trường hợp doanh nghiệp có thể ưu tiên triển khai Low-code/No-code:
- Khi doanh nghiệp cần triển khai MVP nhanh để kiểm thử thị trường
- Khi đội IT quá tải hoặc thiếu nhân lực chuyên môn cao
- Khi muốn giảm phụ thuộc vào outsource
- Khi cần số hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ nhanh chóng
- Khi có nhu cầu bảo trì, cập nhật hệ thống cũ nhưng không đủ ngân sách để viết lại toàn bộ
Ngay cả khi bạn đã sở hữu một đội ngũ IT đông đảo và có kinh nghiệm, Low-code/No-code vẫn có thể mang lại giá trị đáng kể khi bạn cần đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm hoặc tìm kiếm giải pháp thay thế cho các công nghệ cũ trong doanh nghiệp.
Kết
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc giảm technical debt không còn là vấn đề của riêng đội ngũ IT mà đã trở thành ưu tiên chiến lược của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Low-code/No-code đã nổi lên như một giải pháp đột phá, không chỉ giúp giảm thiểu nợ kỹ thuật mà còn trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ trong hành trình chuyển đổi số.
Các CEO cần nhìn nhận rằng sức mạnh thực sự của Low-code/No-code không chỉ nằm ở việc phát triển ứng dụng nhanh chóng, mà còn ở khả năng xóa bỏ rào cản giữa công nghệ và kinh doanh, tạo nên một mô hình vận hành năng động và linh hoạt hơn.