Trong kỷ nguyên số hóa, tốc độ và khả năng thích ứng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp SME tại Việt Nam vẫn đang loay hoay trước bài toán chuyển đổi số, khi nguồn lực công nghệ còn hạn chế và đội ngũ IT thiếu hụt.
Đây là lý do Low-code/No-code xuất hiện như một giải pháp đột phá, giúp doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống vận hành số ít phụ thuộc lập trình viên. Nhưng liệu hai công nghệ này có thực sự phù hợp với doanh nghiệp của bạn? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất, lợi ích, xu hướng và cách áp dụng hiệu quả Low-code/No-code vào vận hành doanh nghiệp.
Low-code/No-code là gì? Sự khác biệt mà CEO cần hiểu rõ
No-code (không code) và low-code (ít code) là các phương pháp phát triển phần mềm cho phép người dùng xây dựng ứng dụng mà không cần hoặc chỉ cần rất ít kiến thức lập trình.
Thay vì viết lập trình truyền thống, người dùng có thể sử dụng giao diện trực quan, lựa chọn những thành phần (component) và kéo-thả (drag-and-drop) các thành phần sẵn có này để tạo ra ứng dụng theo sát nhu cầu.
Để hiểu rõ hơn, hãy phân biệt 2 khái niệm này:
No-code (Không code) | Low-code (Ít code) | |
Đặc điểm | Hoàn toàn không cần viết code, sử dụng giao diện kéo-thả trực quan. | Chủ yếu dùng giao diện trực quan nhưng vẫn cho phép can thiệp code khi cần tùy chỉnh và mở rộng chức năng. |
Đối tượng sử dụng | Người dùng kinh doanh có kiến thức chuyên môn sâu, nhưng không có kiến thức kỹ thuật (doanh nhân, nhân viên kinh doanh, nhân viên vận hành…). | Người dùng có kiến thức về kỹ thuật (code) cơ bản hoặc các nhà phát triển muốn phát triển phần mềm nhanh chóng. |
Tốc độ triển khai | Thời gian phát triển nhanh, chỉ cần kéo-thả. Thời gian kiểm thử giảm đáng kể, ít rủi ro tiềm ẩn. | Nhanh hơn lập trình truyền thống nhưng có thể cần lập trình. |
Ứng dụng thực tế | Tạo website, các ứng dụng front-end, ứng dụng nội bộ đơn giản, ứng dụng tự động hóa quy trình hoặc tạo báo cáo quản trị… | Phát triển ứng dụng ở quy mô doanh nghiệp, các ứng dụng có mức độ phức tạp hơn, hoặc dùng để tích hợp hệ thống với các ứng dụng khác. |
Sự đa dạng của Low-code/No-code đã tạo nên một hệ sinh thái phong phú bao gồm 9 nhóm khác nhau, gồm:
- Business Intelligence (Trí tuệ doanh nghiệp): Các công cụ phục vụ cho việc chuyển đổi thông tin thành kiến thức, với mục đích cải thiện quá trình ra quyết định trong một công ty. Ví dụ như Tableau, Looker, Google Data Studio.
- Dịch vụ khách hàng/CRM: Quản lý thông tin khách hàng, tự động hóa quy trình bán hàng. Ví dụ như Salesforce, Zoho, Creatio.
- Phát triển ứng dụng doanh nghiệp: Tạo ứng dụng nghiệp vụ, xây dựng quy trình và cơ sở dữ liệu nội bộ. Ví dụ như ServiceNow, Mendix, Appian, Unqork.
- IoT/Tự động hóa công nghiệp: Kết nối và điều khiển thiết bị IoT, tối ưu quy trình công nghiệp. Ví dụ: Akenza.io.
- Học máy/AI: Dành cho người dùng không chuyên để tạo mô hình ML, AutoML. Ví dụ: Amazon SageMaker, Google AutoML, DataRobot.
- Tiếp thị/Thương mại điện tử/Thiết kế: Quản lý chiến dịch marketing, bán hàng online, thiết kế trực quan. Ví dụ: HubSpot, Mailchimp, Shopify, Canva, Figma.
- Công cụ phát triển phần mềm: Hỗ trợ chuyên gia công nghệ trong kiểm thử, tạo mã, tự động hóa QA. Ví dụ như Virtuoso.
- Phát triển ứng dụng web/di động: Xây dựng website, app mà không cần kiến thức lập trình. Ví dụ: Webflow, Bubble, Adalo, WordPress, Airtable.
- Tự động hóa quy trình làm việc (Workflow Automation): Mô tả, tích hợp và tự động hóa quy trình kinh doanh từ đầu đến cuối. Ví dụ: Zapier, Pipefy, Kissflow.
4 động lực chính thúc đẩy xu hướng Low-code/No-code
Các nhu cầu về nguồn nhân lực, tốc độ chuyển đổi số, mức độ cạnh tranh trên thị trường và chi phí lập trình phần mềm là những lý do chính thúc đẩy xu hướng Low-code/No-code:
- Thiếu hụt nhân lực công nghệ: Hiện nay, việc tìm kiếm lập trình viên giỏi là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp. Theo dự đoán của IDC, cho đến 2025, con số lập trình viên bị thiếu hụt so với nhu cầu sẽ là 4 triệu nhân sự. Xu hướng Low-code/No-code xuất hiện giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản này bằng cách trao quyền cho nhân viên không chuyên về IT.
- Áp lực chuyển đổi số: COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp tại Việt Nam lên gấp nhiều lần. Low-code/No-code cung cấp con đường nhanh chóng và hiệu quả về chi phí để thực thi quá trình này.
- Nhu cầu rút ngắn time-to-market: Trong môi trường thay đổi nhanh, khả năng triển khai sản phẩm trong vài ngày, thay vì vài tháng, là một lợi thế chiến lược
- Chi phí phát triển phần mềm tăng cao: Chi phí thuê một đội phát triển phần mềm trung bình có thể lên đến hàng tỷ đồng cho một dự án, trong khi giải pháp Low-code/No-code có thể giảm chi phí xuống mức tối đa.
Tại sao Low-code/No-code giúp doanh nghiệp làm chủ “cuộc chơi” chuyển đổi số?
4 động lực thúc đẩy xu hướng Low-code/No-code trên cũng chính là 4 lợi thế mà loại hình phần mềm này tạo nên. Ngoài ra, 2 phương pháp này còn mang lại các lợi ích lớn khác trong bối cảnh chuyển đổi số:
- Tăng tốc chuyển đổi số mà không cần quá đầu tư vào đội ngũ IT: Tăng tốc chuyển đổi số, giảm thời gian từ ý tưởng đến thực thi.
- Trao quyền cho “citizen developers” – lập trình viên công dân: Low-code/No-code tạo ra và khái niệm “citizen developers” – những nhân viên không chuyên về IT nhưng có thể phát triển ứng dụng đơn giản.
Khái niệm này không chỉ hạn chế việc cô lập của bộ phận IT, mà còn biến việc phát triển ứng dụng thành hoạt động cộng tác của toàn doanh nghiệp.
Nhờ đó, tổ chức giảm đáng kể thời gian chuyển đổi yêu cầu nghiệp vụ thành giải pháp kỹ thuật, đồng thời nâng cao sự chấp nhận công nghệ trong nội bộ.
- Xóa bỏ “technical debt” – nợ kỹ thuật: Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “mắc kẹt” với các hệ thống công nghệ lỗi thời tạo ra “nợ kỹ thuật”. Low-code/No-code cho phép xây dựng lại các ứng dụng này với tốc độ nhanh chóng và chi phí thấp.
- Phá vỡ “Silo” – thắt chặt cộng tác giữa quy trình kinh doanh và IT: Khi đội ngũ kinh doanh có thể tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển ứng dụng, khoảng cách giữa nhu cầu kinh doanh và giải pháp công nghệ được thu hẹp đáng kể.
Ngoài ra, Low-code/No-code còn cho phép và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các hệ thống cũ cho mọi loại công ty và doanh nghiệp, theo nghiên cứu dưới đây của Tobias Abt:

Khi nào doanh nghiệp nên sử dụng ứng dụng Low-code/No-code?
Khi đứng trước bài toán cân bằng giữa tốc độ và khả năng tùy biến, các ứng dụng Low-code/No-code thường được doanh nghiệp ưu tiên áp dụng.
Với các ứng dụng nội bộ cần triển khai nhanh, No-code là lựa chọn tối ưu; trong khi Low-code phù hợp cho các dự án phức tạp hơn nhưng vẫn cần tiến độ nhanh. Ở góc độ thực tế, Low-code/No-code đang thay đổi cách các phòng ban vận hành, giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc vào IT. Một số nghiệp vụ và phòng ban có thể ứng dụng Low-code/No-code để triển khai công việc bao gồm:
- Quản lý công việc và quy trình nội bộ: Gồm quản lý yêu cầu nhân sự, phê duyệt tài chính, theo dõi tiến độ dự án, phân công công việc hiệu quả.
- Quản lý khách hàng (CRM) và bán hàng: Các nền tảng Low-code/No-code giúp doanh nghiệp SME xây dựng hệ thống CRM nhanh chóng mà không cần đội ngũ IT, giúp theo dõi khách hàng, tự động hóa email marketing, hỗ trợ chăm sóc khách hàng cá nhân hóa.
- Quản lý kho vận và chuỗi cung ứng: Các doanh nghiệp bán lẻ có thể dùng Low-code/No-code để tạo hệ thống kiểm soát tồn kho, đồng bộ đơn hàng với các nền tảng thương mại điện tử.
- Ứng dụng trong nhân sự: Tạo hệ thống tuyển dụng tự động giúp sàng lọc hồ sơ, quản lý vòng phỏng vấn, triển khai hệ thống quản lý hiệu suất nhân viên với KPI.
Khả năng tùy chỉnh linh hoạt của công nghệ Low-code/No-code không giới hạn người dùng xây dựng trong những ví dụ đã liệt kê, mà mở rộng đến hầu hết mọi ngành nghề và bộ phận – từ tài chính, thu mua, nhân sự, đến sản xuất, y tế, giáo dục, xây dựng, may mặc…
Low-code/No-code không phải là xu hướng nhất thời
Đây không chỉ là một “làn sóng công nghệ” thoáng qua mà là một chuyển dịch nền tảng trong cách chúng ta phát triển phần mềm. Theo Gartner dự đoán, đến năm nay (2025), hơn 70% ứng dụng doanh nghiệp sẽ được phát triển bằng No-code hoặc Low-code.
Tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam, nơi phần lớn doanh nghiệp là SME (vừa và nhỏ), nguồn lực công nghệ hạn chế, áp lực chuyển đổi số lại ngày càng lớn, thì Low-code/No-code không còn là một lựa chọn, mà là một xu hướng tất yếu.
Con số này được dự đoán dựa trên nhiều lý do:
- Xu hướng “citizen developers” ngày càng gia tăng, khi người dùng không có kiến thức kỹ thuật cũng có thể tạo ra ứng dụng.
- Low-code/No-code sẽ tiếp tục phát triển và tích hợp nhiều tính năng mới, như AI và Machine Learning.
- Áp dụng siêu tự động hóa để tiến triển nhanh chóng: Theo “Xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu năm 2022” của Gartner, siêu tự động hóa sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Low-code/No-code đang trở thành xương sống của cuộc cách mạng siêu tự động này, cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng xác định, kiểm tra và tự động hóa càng nhiều quy trình kinh doanh và công nghệ càng tốt.
- Trong bối cảnh “thay đổi là điều duy nhất không thay đổi”, doanh nghiệp áp dụng Low-code/No-code có thể liên tục thử nghiệm và điều chỉnh (theo phương pháp Agile) mà không đứt gãy vận hành, dễ dàng mở rộng quy mô ứng dụng khi doanh nghiệp phát triển.
Xu hướng này sẽ tiếp tục là một hướng đi trong phát triển công nghệ và ở nhiều doanh nghiệp, ít nhất trong viễn cảnh thập kỷ. Nhưng để thành công trong hành trình áp dụng Low-code/No-code, thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân theo nguyên tắc vàng: chuẩn bị kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược dựa trên các giá trị kinh doanh cụ thể như tốc độ, hiệu quả và khả năng mở rộng.
Kết
Low-code/No-code không chỉ là một công nghệ, mà là một cách tiếp cận mới để giải phóng tiềm năng đổi mới trong toàn bộ tổ chức. Khi quyền tạo ra giá trị số không còn nằm riêng trong tay đội ngũ IT, mỗi phòng ban có thể trở thành trung tâm sáng tạo và cải tiến. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này chỉ bền vững khi đi kèm với một chiến lược rõ ràng, định hướng đúng giá trị kinh doanh cốt lõi. Nếu bạn là CEO đang tìm kiếm sự linh hoạt, tốc độ và khả năng mở rộng trong hành trình số hóa, có lẽ đã đến lúc bắt đầu hành động — trước khi chính thị trường định nghĩa lại cuộc chơi mà bạn vẫn đang đứng ngoài.