Doanh nghiệp cần đưa sản phẩm của mình ra thị trường đúng thời điểm và đúng cách.
Họ chỉ có thể làm được điều đó khi sở hữu những công cụ phù hợp – những công cụ được thiết kế để giải quyết các vấn đề quản lý sản phẩm, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy nhanh quy trình từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, theo khảo sát của Gartner, các doanh nghiệp vẫn đang phụ thuộc vào các công cụ năng suất cơ bản, thiếu hiệu quả. Rất ít người sử dụng các phần mềm thương mại được xây dựng chuyên biệt cho ngành nghề của mình.
Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng và khó lường, Low-code/No-code xuất hiện như một giải pháp tối ưu cho bài toán rút ngắn time-to-market của doanh nghiệp. Cùng xem qua cách thức phương pháp này hoạt động trong bài viết hôm nay.
Time-to-market là gì?
Time-to-market (TTM) là thuật ngữ kinh doanh dùng để chỉ khoảng thời gian cần thiết để đưa một sản phẩm từ giai đoạn ý tưởng, đến khâu chính thức xuất hiện trên thị trường. Nó bao gồm toàn bộ quá trình: lên ý tưởng sản phẩm, phát triển, thử nghiệm và ra mắt.
Rút ngắn TTM không đơn thuần là đi nhanh – mà là một chiến lược giúp doanh nghiệp tăng tốc, kiểm nghiệm giá trị nhanh, và giành lấy lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp thường hướng đến mục tiêu giảm thiểu TTM để:
- Đáp ứng kỳ vọng cao của khách hàng: Họ muốn sản phẩm chất lượng, giao nhanh, đáng tin cậy ngay từ lần đầu tiếp cận.
- Theo kịp tốc độ của đối thủ: Nếu đối thủ cung cấp giá trị nhanh chóng, bạn buộc phải làm được điều tương tự hoặc tốt hơn.
- Nhanh chóng kiểm chứng giá trị sản phẩm: Ra mắt sớm giúp đo lường giá trị thực tế và điều chỉnh kịp thời.
- Giảm thiểu rủi ro thị trường: Càng chậm ra mắt, càng dễ mất cơ hội vào tay đối thủ và làm tăng chi phí phát triển kéo dài không cần thiết.
- Mô hình hóa và kiểm chứng dòng tiền sớm: TTM ngắn giúp doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá hiệu quả tài chính và ra quyết định chính xác hơn.
Theo McKinsey, nếu sản phẩm ra thị trường chậm 6 tháng, doanh nghiệp có thể mất đến 33% lợi nhuận sau thuế.
Dẫu vậy, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng rút ngắn TTM không có nghĩa là hy sinh chất lượng. Các doanh nghiệp cần đạt được sự cân bằng tinh tế giữa tốc độ và độ tin cậy, đảm bảo sản phẩm được ra mắt nhanh nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và tính toàn vẹn.
Bởi TTM không chỉ là sự nhanh chóng – mà còn là khả năng triển khai chiến lược hiệu quả, tối ưu nguồn lực và đưa những sản phẩm phù hợp, chất lượng cao ra thị trường đúng thời điểm.
Làm thế nào để doanh nghiệp rút ngắn time-to-market?
Để tăng tốc hoạt động đưa sản phẩm ra thị trường, trước tiên doanh nghiệp cần đảm bảo quy trình sản xuất sản phẩm/dịch vụ của mình tinh gọn. Từ đó, doanh nghiệp cần bắt tay vào việc phân tích lại toàn bộ quy trình hiện tại nhằm xác định các điểm nghẽn phổ biến như:
- Giao tiếp giữa các nhóm không hiệu quả
- Phân bổ công việc chưa rõ ràng
- Thay đổi yêu cầu giữa chừng
- Giai đoạn thử nghiệm kéo dài
- Cải tiến quy trình doanh nghiệp liên tục hoặc có bổ sung công nghệ mới hỗ trợ
Nhiều vấn đề trong số đó không nằm ở con người, mà còn nằm ở cách thức và công cụ.
Vì vậy, cải thiện quy trình không chỉ dừng lại ở việc cắt bỏ những khâu dư thừa, mà còn cần chọn đúng công nghệ hỗ trợ – những nền tảng cho phép mở rộng quy mô, cộng tác linh hoạt và lặp lại nhanh chóng.
Low-code/no-code chính là một cách thức điển hình cho cách tiếp cận hiện đại, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phát triển mà vẫn giữ được chất lượng và độ linh hoạt.
Đây là các công cụ phát triển ứng dụng cho phép xây dựng phần mềm thông qua giao diện trực quan, thao tác kéo-thả, và các mẫu dựng sẵn, thay vì phải viết từng dòng mã thủ công như phương pháp truyền thống. Doanh nghiệp giờ đây có thể sử dụng chính những nhân sự hiểu rõ về quy trình nhất trong doanh nghiệp để xây dựng ứng dụng. Nhờ vậy, các đội nhóm không chỉ đẩy nhanh tiến độ, mà còn lặp lại chu kỳ phát triển nhanh hơn, điều chỉnh nhanh hơn và phản ứng linh hoạt theo nhu cầu thị trường.
Trên thực tế, nhiều nền tảng Low-code/No-code đã giúp doanh nghiệp cắt giảm tới 50–90% thời gian phát triển, tạo ra lợi thế rõ rệt trong các giai đoạn gấp rút ra mắt sản phẩm.
Low-code/No-code giúp rút ngắn time-to-market như thế nào?
Low-code/No-code không chỉ rút ngắn thời gian viết mã, mà còn tái định nghĩa toàn bộ cách doanh nghiệp tiếp cận quá trình phát triển sản phẩm – từ lên ý tưởng, kiểm thử đến triển khai.
Dưới đây là 5 ưu thế chính mà Low-code/No-code đang tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong cuộc đua ra mắt sản phẩm:

1. Mở rộng khả năng sáng tạo và thử nghiệm ý tưởng nhanh chóng
Low-code/No-code cho phép doanh nghiệp triển khai MVP (Minimum Viable Product) trong thời gian ngắn, giúp nhanh chóng kiểm chứng giả định kinh doanh với mức đầu tư tối thiểu. Với MVP, doanh nghiệp có thể thu thập phản hồi thị trường, học hỏi từ người dùng thật và điều chỉnh sản phẩm trước khi ra mắt chính thức. Điều này không chỉ rút ngắn chu kỳ phát triển mà còn giảm rủi ro sai lệch sản phẩm – thị trường ở giai đoạn đầu.
2. Thích ứng với sự thay đổi bằng cách lập trình trực quan
Các nền tảng Low-code/No-code sở hữu giao diện kéo-thả trực quan, cho phép người dùng thiết kế, chỉnh sửa và điều chỉnh ứng dụng dễ dàng. Thay vì viết lại code, người dùng có thể trực tiếp thay đổi cấu trúc ứng dụng đơn giản như khi xây slide trình chiếu. Nhờ khả năng “trực quan ngay khi chỉnh sửa”, doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn với yêu cầu thay đổi, hỗ trợ tốt cho các chiến lược phát triển linh hoạt, xoay trục khi cần.
3. Trao quyền cho các citizen developer, tiết kiệm chi phí
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ lập trình viên chuyên nghiệp, Low-code/No-code trao quyền phát triển cho những người dùng phi kỹ thuật (citizen developer) – như quản lý vận hành, trưởng bộ phận, hay thậm chí là các đơn vị tư vấn bên ngoài… Họ có thể tự xây dựng ứng dụng phục vụ công việc của mình mà không cần kiến thức chuyên sâu về lập trình. Kết quả là: chi phí phát triển giảm mạnh, tốc độ triển khai tăng lên và sự phụ thuộc vào IT được giảm thiểu đáng kể.
4. Xây dựng nhanh từ các thành phần dựng sẵn
Các nền tảng Low-code/No-code cung cấp mẫu ứng dụng, module chức năng và workflow dựng sẵn, form thu thập dữ liệu đến bảng điều khiển hiển thị dữ liệu thời gian thực. Bạn chỉ cần chọn, kéo, cấu hình và sử dụng, không cần bắt đầu phát triển từ đầu cho mọi chức năng. Theo Forrester, việc tận dụng các thành phần dựng sẵn có thể giúp rút ngắn thời gian phát triển gấp 10 lần so với lập trình truyền thống.
5. Dễ dàng tích hợp với hệ thống hiện tại
Khác với các công cụ phát triển biệt lập, Low-code/No-code cho phép ứng dụng tích hợp mượt mà với các hệ thống hiện tại, như CRM, ERP, cơ sở dữ liệu hoặc phần mềm kế thừa. Nhờ các trình kết nối tích hợp sẵn hoặc API, doanh nghiệp không cần xử lý lỗi phức tạp mà mọi “mảnh ghép” đều có thể dễ dàng kết nối và hoàn chỉnh. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo tính liên tục trong một nền tảng vận hành số.
Cần đảm bảo time-to-market song hành với time-to-value của sản phẩm
Như đã phân tích, việc rút ngắn time-to-market (TTM) giúp sản phẩm ra mắt nhanh hơn, nhưng điều đó sẽ vô nghĩa nếu khách hàng không nhận được giá trị rõ ràng từ sản phẩm đó.
Theo Gartner, các doanh nghiệp quá chú trọng vào việc giao hàng đúng hạn thường bỏ qua các yếu tố trải nghiệm người dùng, khả năng sử dụng và tính phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến sản phẩm được triển khai nhưng không tạo ra tác động rõ rệt.
Đó là lý do tại sao time-to-value (TTV) – khoảng thời gian để khách hàng thực sự cảm nhận được giá trị từ sản phẩm, cần được đặt song song với TTM. Sản phẩm ra thị trường nhanh, nhưng phải được đón nhận, sử dụng dễ dàng, và giải quyết đúng vấn đề. Đây không chỉ là chiến lược phát triển sản phẩm hiệu quả, mà còn là cách tăng giá trị vòng đời khách hàng và giảm lãng phí tài nguyên phát triển.
Low-code/no-code vừa rút ngắn TTM, vừa góp phần đảm bảo TTV với chính những đặc tính về phát triển MVP nhanh giúp kiểm chứng giá trị thực tế sớm, hỗ trợ giao diện trực quan, dễ sử dụng giúp rút ngắn thời gian học và triển khai với người dùng cuối, dễ dàng tích hợp với hệ thống hiện có đảm bảo người dùng cảm nhận được giá trị trong luồng công việc quen thuộc.
Khi sự nhanh nhạy đi cùng với giá trị thực tiễn, nó trở thành điểm mạnh của Low-code/No-code: giúp doanh nghiệp vừa tăng tốc đưa sản phẩm ra thị trường, vừa đảm bảo khách hàng nhanh chóng nhận được giá trị họ mong đợi.
Kết
Để chiếm được vị thế trên thị trường, và rộng hơn nữa là để thực hiện vận hành số hiệu quả, doanh nghiệp cần những công cụ giúp tăng tốc mà vẫn giữ được sự linh hoạt và chất lượng. Low-code/No-code không chỉ giúp giảm thời gian phát triển, mà còn tạo điều kiện cho các bộ phận cùng tham gia sáng tạo giải pháp. Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng một doanh nghiệp số chủ động, nhạy bén và bền vững hơn với thị trường. Việc áp dụng các nền tảng này không chỉ tối ưu hóa quy trình nội bộ mà còn mở ra cơ hội đổi mới, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.