Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, kỹ thuật, hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều cần sự tập trung cao độ. Chúng ta sẽ tạo ra những kết quả ấn tượng nhất khi có những suy nghĩ ở trạng thái tập trung nhất. Nhưng cứ dăm ba phút, bạn lại bị những dòng suy nghĩ hoặc tác động bên ngoài xen ngang. Bạn ngồi làm việc cả ngày, nhưng ngoảnh lại thì chẳng thấy xong bao nhiêu đầu việc.
Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này, thì bài viết hôm nay sẽ gợi ý giúp bạn:
- Tìm hiểu một trạng thái làm việc “siêu hiệu suất” – trạng thái dòng chảy (flow state).
- Xóa bỏ nhầm lẫn trạng thái dòng chảy này là một thói quen.
- Hiểu rõ bản thân đang ở trong trạng thái làm việc nào.
- Tạo ra “trạng thái dòng chảy” khi kỹ năng và thử thách công việc hòa hợp trong vùng Goldilocks.
Trạng thái dòng chảy (flow state) là gì?
“Trạng thái dòng chảy” (flow state) là khái niệm bắt đầu phổ biến từ năm 1975, của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi.
Như tên gọi, đây là trạng thái hoạt động tinh thần khi bạn làm việc và hoàn toàn đắm chìm vào cảm giác tập trung với năng lượng và sự thích thú của công việc này. “Dòng chảy” sẽ chỉ thực sự xảy ra khi bạn tập trung và mất đi cảm giác về không gian hoặc thời gian xung quanh.
Có lẽ đã nhiều lần bạn trải qua trạng thái này mà không nhận ra.
Nó tương tự như khoảnh khắc bạn chơi trò dù lượn, tàu lượn hay trượt tuyết… Bạn tập trung 100% vào chuyển động của cơ thể bạn, xem tàu hay ván trượt của mình di chuyển tới đâu, hoặc những cảm giác bạn cảm nhận được khi chơi…. Trong lúc chơi những trò chơi này, trong suy nghĩ của bạn rõ ràng không hề có một bận tâm hay lơ đãng khác. Bạn cũng tự nhận thức được rằng nếu bạn lơ đãng, bạn sẽ té, rơi ra khỏi xe…
Đạt được trạng thái dòng chảy là kỹ năng, không phải thói quen
Trạng thái dòng chảy này là sự kết hợp của 8 thành phần, tạo ra các kết quả và hiệu suất công việc vượt trội:
- Bạn biết chính xác bạn cần theo đuổi mục tiêu gì, không ”đa nhiệm” mông lung.
- Bạn tập trung vào công việc ở mức độ cao nhất, không bị xao nhãng.
- Bạn không còn biết thời gian là gì, bởi trong flow, bạn gần như ngây ngất làm việc và thời gian như dừng lại, bạn không lo sợ những điều trong quá khứ, cũng không bồn chồn về tương lai.
- Bạn theo dõi và phản hồi về dòng suy nghĩ công việc của bạn trong tức thì và rất hiệu quả.
- Bạn hiểu rõ kỹ năng và kiến thức của mình có phù hợp để giải quyết công việc hay không.
- Bạn kiểm soát công việc hoàn toàn.
- Toàn bộ ý thức và hành động của bạn thống nhất với nhau hoàn toàn.
- Động lực của bạn rõ ràng và đến từ bên trong bản thân (khả năng tự thân – Autotelic), không phụ thuộc vào thành tựu hay phần thưởng bên ngoài.
Nhiều người nhìn vào những thành phần này và nghĩ rằng trạng thái dòng chảy chỉ có ở một số cá nhân có thói quen tập trung cao độ mà không phân tâm, và bạn khó mà luyện tập được.
Nhưng không, đạt được trạng thái dòng chảy không phải là một thói quen (thứ bạn biết làm, và chỉ cần dành nhiều thời gian hơn để điêu luyện). Muốn chìm đắm trong trạng thái dòng chảy, bạn phải luyện tập để nó trở thành kỹ năng của bạn.
Nếu bạn nhầm lẫn việc đạt được trạng thái dòng chảy là thói quen, sau đó bạn thử thực hành và không thành công. Bạn sẽ dễ tự kết luận rằng bạn không thể có được trạng thái dòng chảy này. Đây quả là một tai hại. Ngược lại, bạn sẽ cố gắng dần dần để thả mình trong “dòng chảy”.
3 nhóm trạng thái bạn có thể trải qua trước khi đạt được trạng thái dòng chảy
Trạng thái dòng chảy phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sẽ xuất hiện trong bạn khi tất cả 8 thành phần trên hòa quyện.
Nhưng cốt lõi của quá trình đạt được trạng thái này chính là quá trình hòa hợp giữa mức độ kỹ năng của bạn và mức độ thử thách của công việc, được thể hiện trong mô hình “flow” sau của chính tác giả Csikszentmihalyi:
Trước khi đạt đến trạng thái dòng chảy, bạn sẽ trải qua 7 trạng thái khác, có thể được chia thành các nhóm sau:
- Nhóm 1 – Thiếu kỹ năng, thực hiện công việc có mức thử thách thấp: Đây là trường hợp của một bạn nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm, và được phân công thực hiện công việc đơn giản như nhập liệu thông tin từ hồ sơ giấy sang Excel.Với tính chất công việc không đưa ra các thách thức và cơ hội học tập, bạn nhân viên này có thể sẽ làm việc với tâm thế thờ ơ, chán chường và không tập trung quá nhiều vào mục tiêu công việc.
- Nhóm 2 – Thiếu kỹ năng, thực hiện công việc có mức thử thách cao: Đây vẫn là nhóm người làm việc chưa “cứng tay” nhưng lại cần tập trung giải quyết một công việc có tính thử thách cao hơn. Ví dụ như ngay trong 2 tuần đầu tiên làm việc, bạn này được giao nhiệm vụ lên kế hoạch và triển khai một chiến dịch marketing quy mô lớn cho một sản phẩm mới, mà không có sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn cụ thể nào.Điều này có thể gây ra cảm giác quá tải, lo lắng về khả năng thất bại, và không biết phải bắt đầu từ đâu hoặc làm thế nào để đối phó với nhiệm vụ đầy thách thức này. Nhân viên này dễ rơi vào trạng thái “đa nhiệm ảo” để tìm tòi cách thực hiện, nhưng không tạo ra hiệu suất công việc tối ưu vì mất tập trung.
- Nhóm 3 – Kỹ năng cao, thực hiện công việc có mức thử thách thấp: Ví dụ, bạn có thể là một lập trình viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao, đã làm việc trên nhiều dự án phức tạp. Tuy nhiên, ở dự án hiện tại, bạn chỉ được giao nhiệm vụ viết tài liệu kỹ thuật và cập nhật báo cáo cho những công việc đơn giản không đòi hỏi sử dụng đến kỹ năng lập trình nâng cao hay giải quyết vấn đề sáng tạo.Trong trường hợp này, mức độ thử thách của công việc không tương xứng với kỹ năng và năng lực của bạn, khiến bạn cảm thấy công việc không mang lại sự thỏa mãn hoặc hài lòng, và có thể dễ dàng gây ra cảm giác chán nản và thiếu hứng thú để tập trung. Nhiều người ở trạng thái này có thể cảm thấy thư giãn và hài lòng, không muốn phát triển gì hơn, gần như rơi vào “vùng an toàn” nguy hiểm khi làm việc và thăng tiến.
- Nhóm 4 – Kỹ năng cao, thực hiện công việc có mức thử thách cao: Đây là đích đến của tất cả chúng ta. Bạn sẽ đạt được “trạng thái dòng chảy” và thăng hoa khi tập trung làm việc nếu tiến tới mức độ hòa hợp này. Hình dung bạn là một người quản lý có kinh nghiệm, chuyên môn cao trong việc phân tích dữ liệu và xây dựng chiến lược kinh doanh cho mặt hàng nội thất. Bạn được giao nhiệm vụ phát triển một dự án mới, cải thiện hiệu suất bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử.Mức độ thử thách của công việc cao và kỹ năng chuyên môn cao giúp bạn xem công việc này thú vị như việc giải một câu đố, làm việc không biết mệt mỏi và tạo ra kết quả ấn tượng.
Tạo ra “trạng thái dòng chảy” khi kỹ năng và thử thách công việc hòa hợp
1. Thiết lập sự tập trung – tiền đề của trạng thái dòng chảy
Tập trung không phải là toàn bộ của quá trình “flow”, nhưng nó là bước khởi động.
Bạn hãy chuẩn bị một không gian dành riêng cho sự tập trung không bị ngắt quãng, bằng cách:
- Tìm một không gian thoáng đãng và yên tĩnh, phù hợp với sở thích của bạn để bắt đầu làm việc.
- “Thỏa hiệp” trước với đồng nghiệp hoặc gia đình của bạn, rằng bạn cần tập trung trong khoảng thời gian bao lâu.
- Tạm tắt thông báo với các kênh giao tiếp online và mạng xã hội để không bị xao nhãng bởi những cám dỗ tức thời.
2. Bảo đảm bạn sắp tìm đúng “vùng Goldilocks” của mình
Công việc Goldilocks là những việc đưa ra thách thức có mức độ phù hợp với năng lực chuyên môn và kỹ năng của bạn. Thực hiện những công việc này sẽ giúp bạn dần tiến đến nhóm làm việc số 4 (kỹ năng cao, thực hiện công việc có mức độ thách thức cao) và đạt được trạng thái dòng chảy.
Muốn tìm ra được những công việc Goldilocks, trước tiên bạn cần chấp nhận rằng tất cả chúng ta đều phải làm những công việc mà mình không thích, hoặc không phù hợp với năng lực. Ngay cả với những công việc mà bạn mơ ước, bạn vẫn phải làm những việc nhàm chán như trả lời email, xuất hóa đơn, họp hành căng thẳng…
Nhưng, hãy nhớ rằng, luôn có một công việc mà bạn sẽ thực sự thích thú và thăng hoa khi được thực hiện. Nếu nhận thức được mình chưa tìm được công việc này, bạn hãy nâng cao năng lực của bản thân, bằng cách:
- Tăng mức độ thử thách đối với người đang làm những công việc thuộc nhóm 1 – Thiếu kỹ năng, thực hiện công việc có mức thử thách thấp: Bạn hoặc người quản lý của mình có thể tìm cách tăng cường mức độ thử thách của công việc, như giao nhiệm vụ phức tạp hơn hoặc đặt mục tiêu cụ thể và thách thức hơn, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kỹ năng dài hạn và khả năng tiếp cận trạng thái dòng chảy.
- Chia nhỏ mục tiêu đối với người đang làm những công việc thuộc nhóm 2 – Thiếu kỹ năng, thực hiện công việc có mức thử thách cao: Để giảm bớt cảm giác lo lắng và hỗ trợ sự phát triển kỹ năng, team của bạn cần đảm bảo luôn có sự đào tạo cần thiết từ đồng nghiệp hoặc quản lý. Ngoài ra, để tránh việc nản chí khi thực hiện công việc quá khó, bạn và đội nhóm có thể trao đổi và thỏa thuận lại về mục tiêu. 5 mục tiêu nhỏ trong 1 mục tiêu lớn giúp tạo ra cảm giác đạt được thành tựu dần dần.
- Tự tạo thách thức đối với người đang làm những công việc thuộc nhóm 3 – Kỹ năng cao, thực hiện công việc có mức thử thách thấp: Hãy tự tìm kiếm và đề xuất được phụ trách những công việc phù hợp với năng lực của bạn hơn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi để học hỏi và phát triển kỹ năng mới, có thể không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ hiện tại nhưng có ích cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp dài hạn.
Kết
Đạt được trạng thái dòng chảy không phải là một quá trình tự nhiên mà mỗi người đều có thể dễ dàng trải qua mà không cần nỗ lực. Hãy bắt đầu từ việc nhận diện và phát triển kỹ năng của bản thân sao cho vừa vặn với mức độ thách thức. Tiếp đến là tạo dựng môi trường làm việc lý tưởng, và chấp nhận thách thức như cơ hội để thăng hoa. Khi công việc và niềm đam mê hòa quyện, mỗi khoảnh khắc làm việc sẽ trở thành hành trình khám phá bản thân, nơi công việc không còn là sự bắt buộc và khó khăn.