Generative AI là gì?
Generative AI (AI tạo sinh) là công nghệ AI có khả năng tạo ra nội dung mới, bao gồm các định dạng như văn bản, hình ảnh, âm thanh, code, đến video… chỉ từ một yêu cầu bằng ngôn ngữ tự nhiên (còn gọi là prompt).
Nếu AI truyền thống giúp con người “tìm” thông tin, thì Generative AI tiến thêm một bước: “sáng tạo” ra thông tin, dựa trên cách con người đã từng nói, viết, vẽ, lập trình… mà Generative AI đã học được.
Ví dụ các mô hình Generative AI phổ biến:
- Tạo văn bản: Chat GPT, Gemini, DeepSeek…
- Tạo hình ảnh: DALL·E 2, Midjourney, Stable Diffusion…
- Tạo âm thanh và giọng nói: ElevenLabs, Voicemod, Soundraw…
Theo McKinsey, đã có hơn 1/3 tổ chức áp dụng Gen AI thường xuyên trong ít nhất một chức năng kinh doanh, và Gartner dự đoán hơn 80% tổ chức sẽ sử dụng Gen AI hoặc tích hợp các API liên quan vào năm 2026.
Generative AI hoạt động như thế nào?
Về cơ bản, Generative AI vận hành qua 3 giai đoạn chính, kết hợp các kỹ thuật cốt lõi như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), học máy (ML) và nhận diện hình ảnh, nhằm phản hồi các yêu cầu đầu vào một cách tự động và thông minh:
1. Học từ dữ liệu đa dạng
Generative AI được huấn luyện trên khối lượng dữ liệu khổng lồ, bao gồm văn bản, hình ảnh, mã nguồn, âm thanh, video… từ internet và các nguồn chuyên biệt.
Khác với phần mềm được lập trình theo quy tắc cố định, mô hình AI học từ mẫu ngôn ngữ, logic, ngữ cảnh và cấu trúc mà con người đã từng sử dụng, từ đó xây dựng nên khả năng hiểu và phản hồi.
2. Mô hình hoá và điều chỉnh
Cốt lõi của Generative AI là mô hình dự đoán xác suất theo ngữ cảnh – một thuật toán học máy dự đoán phần tử tiếp theo hợp lý nhất trong một chuỗi (ví dụ: từ tiếp theo trong câu, điểm ảnh trong hình ảnh, nốt trong bản nhạc…).
Sau khi được huấn luyện nền tảng (pretraining), mô hình được tinh chỉnh (fine-tune) để phục vụ những mục tiêu chuyên biệt, như viết email, trả lời câu hỏi khách hàng, thiết kế sản phẩm hoặc sáng tác nhạc.
3. Sinh nội dung mới
Dựa trên những gì đã học, Generative AI có khả năng tạo ra nội dung mới hoàn toàn, không sao chép, mà tái tổ hợp thông minh theo mục tiêu của người dùng:
- Viết kế hoạch kinh doanh
- Vẽ hình ảnh theo mô tả
- Viết code phần mềm
- Tạo slide trình bày
- Tạo video hoặc nhạc nền
Ứng dụng thực tế của Generative AI vào vận hành doanh nghiệp
Dưới đây là một số tình huống áp dụng Generative AI trong thực tế vận hành doanh nghiệp:
1. Tăng trưởng doanh thu và cải tiến trải nghiệm khách hàng
- Tạo nội dung tiếp thị cá nhân hóa theo thời gian thực: Văn bản, hình ảnh, video được tùy chỉnh theo hành vi người dùng, khu vực và thời điểm.
- Tự động hoá email, quảng cáo, bài viết: Soạn thảo, cải thiện nội dung theo phong cách thương hiệu.
- Chatbot và trợ lý ảo thế hệ mới: Hiểu ngữ cảnh tốt hơn, đưa ra phản hồi sâu sắc và chủ động đề xuất hành động thay cho user.
- Khám phá và trả lời câu hỏi nâng cao: Tìm kiếm thông tin nhanh hơn, dễ hiểu hơn cho cả khách hàng lẫn nhân viên.
2. Tối ưu hoá chi phí và năng suất vận hành
- Tạo, dịch, kiểm tra và đơn giản hóa code phần mềm: Hỗ trợ phát triển nhanh các tính năng mới, hiện đại hoá code cũ lên nền tảng đám mây.
- Tăng tốc quy trình hành chính nội bộ: Soạn hợp đồng, hóa đơn, báo cáo tự động trong phòng pháp lý, tài chính, nhân sự.
- Tóm tắt và phân loại nội dung: Rút gọn cuộc họp, email, văn bản, phân loại theo chủ đề/cảm xúc để dễ xử lý hơn.
- Cải thiện hiệu suất chatbot và hệ thống chăm sóc khách hàng nội bộ.
3. Ứng dụng trong nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm
- Thiết kế và nghiên cứu kỹ thuật: Gợi ý mẫu thiết kế, kết cấu, vật liệu mới dựa trên mục tiêu sản phẩm.
- Tổng hợp hình ảnh y tế hoặc dữ liệu mô phỏng: Dùng trong đào tạo, nghiên cứu và thử nghiệm ở các tình huống hiếm gặp.
- Khám phá công thức cho sản phẩm mới: Hợp kim mới, hương liệu, thuốc, hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường…
4. Quản trị rủi ro và tuân thủ
- Bổ sung dữ liệu khan hiếm: Tạo dữ liệu giả lập nhằm giảm thiên lệch và tăng bảo mật.
- Phân tích rủi ro sớm: Phát hiện giao dịch bất thường, lỗi code hoặc sai lệch trong dữ liệu nhanh hơn.
- Hỗ trợ tuân thủ và ESG: Hỗ trợ đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Generative AI không còn là công nghệ tương lai, mà đang trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của hiện tại. Nghiên cứu của Accenture cho thấy, công nghệ là đòn bẩy top đầu cho quy trình đổi mới này của 98% doanh nghiệp, và Generative AI đã được 82% trong số đó xác định là yếu tố chủ chốt.
Doanh nghiệp nào sớm ứng dụng công nghệ này sẽ có lợi thế rõ rệt trong việc tinh gọn vận hành, tăng tốc đổi mới và nâng tầm trải nghiệm khách hàng.