Lãnh đạo hiệu quả là lãnh đạo thu hút được nhiều người tài cùng đi với mình. Và điều này chỉ xảy ra khi lãnh đạo có được sự tin tưởng từ những nhân viên trong doanh nghiệp. Nó cần sự vun đắp khéo léo và nhất quán theo thời gian, mà đôi khi lãnh đạo mới không phải ai cũng làm được.
Bài viết hôm nay sẽ giúp lãnh đạo mới hiểu được:
- Lợi ích của niềm tin nhân viên trong mọi doanh nghiệp.
- Công thức đúng đắn để xây dựng được niềm tin với nhân viên.
- Những lỗi lãnh đạo mới thường mắc phải khi cố xây dựng niềm tin với nhân viên.
- Và cách khắc phục hiệu quả.
Mọi thứ trong doanh nghiệp thực ra đều bắt đầu bằng niềm tin
Những ai là leader nhiều kinh nghiệm sẽ dần nhận ra rằng, niềm tin là một loại “vốn” cần thiết mà họ cần có để bắt đầu mọi thứ trong doanh nghiệp.
Vì niềm tin:
- Tạo cảm giác muốn gắn bó cho những ứng viên mới đến với doanh nghiệp.
- Tạo động lực đồng hành và cống hiến để thúc đẩy hiệu suất của nhân viên.
- Làm rõ mục tiêu vượt qua khó khăn khi doanh nghiệp gặp thách thức.
Không có niềm tin mà bạn tạo ra, gần như đội nhóm của bạn sẽ rất lỏng lẻo và dễ tan rã hơn bao giờ hết.
Vì càng được tin cậy, bạn càng có nhiều “đặc quyền” tạo những ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của đội nhóm. Ngược lại, nếu càng lúc càng làm mất lòng tin của mọi người, bạn sẽ mất dần tầm ảnh hưởng đối với họ.
Nếu xây dựng niềm tin hiệu quả, lãnh đạo sẽ được hưởng lợi từ rất nhiều việc:
- Sự đồng lòng và cống hiến của nhân viên.
- Động lực làm việc từ bên trong của tất cả đội nhóm.
- Năng lực đổi mới sáng tạo của cả doanh nghiệp được phát huy.
- Nhân tài được thu hút và giữ chân hiệu quả.
Vậy là những lãnh đạo mới, bạn cần bắt đầu xây dựng niềm tin với nhân viên của mình thế nào?
Công thức xây dựng niềm tin cho lãnh đạo
“Phương trình niềm tin” của tác giả Charles Green dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn những gì tạo dựng nên sự tín nhiệm của một người lãnh đạo:
Niềm tin = (Uy tín + Độ tin cậy + Mức độ thân thiết)/Sự tự định hướng bản thân |
Trong đó, những điều giúp lãnh đạo có thể xây dựng dần dần niềm tin là:
- Uy tín: Chuyên môn của bạn tới đâu, bạn có giải quyết vấn đề được không, team có thể tin tưởng hoàn toàn vào bạn ở 1 lĩnh vực nào đó được không?
- Độ tin cậy: Bạn có hoàn thành hết những việc đã hứa với team không?
- Mức độ thân thiết: Bạn có tạo được cảm giác an toàn khi team chia sẻ thông tin của họ cho bạn, hoặc khi họ gửi gắm 1 điều gì đó đến bạn không?
Và mẫu số duy nhất làm giảm đi niềm tin của lãnh đạo là:
- Sự tự định hướng bản thân: Khi làm một việc nào đó bạn chỉ nghĩ đến bản thân hay nghĩ đến mục đích chung của cả team?
Kết quả của 4 yếu tố này được coi là chỉ số niềm tin của bạn.
Muốn xây dựng được, bạn cần:
- TĂNG uy tín của bản thân: Luôn nâng cao chuyên môn, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, và tạo ra những giá trị rõ ràng trong công việc.
- TĂNG độ tin cậy: Giữ lời hứa, hoàn thành công việc của mình đúng hạn và nhất quán trong hành động.
- TĂNG mức độ đồng cảm, thấu cảm của bạn với nhân viên: Lắng nghe chân thành, quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của nhân viên, và tạo ra môi trường làm việc an toàn, cởi mở.
- GIẢM mức độ tự định hướng bản thân: Luôn nghĩ đến lợi ích chung của team, đặt mục tiêu chung lên trên lợi ích cá nhân, và làm việc với tinh thần đồng đội.
Những yếu tố của niềm tin này thực ra không có gì quá mới mẻ. Điều quan trọng nằm ở cách bạn suy ngẫm về điểm mạnh, điểm yếu của mình ở mỗi yếu tố ra sao. Nhất là đối với những nhà lãnh đạo mới, khi phải đối diện với nhiều áp lực và cần làm quen với nhiều thứ, cách bạn cố gắng thúc đẩy những yếu tố uy tín, độ tin cậy… đôi khi chưa đúng cách. Những điều này vô tình gây mất đi sự tin tưởng của nhân viên đối với bạn.
Vậy lãnh đạo cần lưu ý những gì khi áp dụng công thức xây dựng niềm tin trên?
4 sai lầm lãnh đạo mới thường mắc phải khi xây dựng niềm tin cho nhân viên
Dưới đây là 4 điều lãnh đạo chưa có nhiều kinh nghiệm thường làm vô tình gây “xói mòn” lòng tin với nhân viên:
Sai lầm 1: Cố gắng xây dựng uy tín thông qua những kinh nghiệm trong công việc cũ.
Khi đã trở thành lãnh đạo tức là chúng ta đã có kha khá kinh nghiệm hơn nhiều người ở doanh nghiệp. Những kinh nghiệm và thành tích ấy đôi khi khiến lãnh đạo tự tin thái quá và dựa vào đó để thuyết phục team mình tin tưởng, ví dụ như “Khi còn phụ trách công việc này, chị đã khai thác vấn đề theo cách…, em nên làm…”. Cách làm thường xuyên nhắc lại kinh nghiệm cũ có thể khiến nhân viên cảm thấy bạn không tôn trọng cách làm và ý tưởng của họ, làm giảm niềm tin vào bạn.
Thay vào đó, bạn hãy: Hỏi nhân viên về những thách thức hiện tại và những ý tưởng họ chưa được lắng nghe.
Hãy lắng nghe nhân viên và điều chỉnh cách phản hồi, kết hợp với kinh nghiệm của bạn với tình hình thực tế để tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm từ đội ngũ.
Sai lầm 2: Tăng độ tin cậy bằng cách cố tỏ ta tự tin và lạc quan.
Nhiều lãnh đạo mới cố gắng thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình nhiều hơn bằng cách tỏ ra tự tin và quyết đoán hơn. Khi giao tiếp, họ nói nhiều câu giống như những lời tuyên bố chắc nịch để nhân viên được trấn an khi có những công việc rủi ro. Nhưng tự tin thái quá lại phản tác dụng. Nhân viên cảm thấy bạn là người chỉ giỏi “hứa hẹn” và dần mất đi niềm tin vào lãnh đạo.
Thay vào đó, bạn hãy: Cân bằng sự tự tin với khiêm tốn và chân thành.
Bạn có thể thừa nhận những lĩnh vực bạn chưa giỏi để team chủ động hỗ trợ. Đồng thời, khi đối mặt với những điều không chắc chắn, hãy lắng nghe và khuyến khích nhóm đưa ra giải pháp cùng bạn và cùng đi đến quyết định cuối cùng. Điều này không chỉ xây dựng niềm tin mà còn khẳng định bạn là người lãnh đạo biết lắng nghe và học hỏi.
Sai lầm 3: Cố gắng tạo sự đồng cảm và thân thiết với mọi người quá mức.
Nhiều lãnh đạo mới cố gắng duy trì mối quan hệ bạn bè với các đồng nghiệp cũ hoặc mới để cảm thấy hòa hợp và dễ cư xử hơn. Tuy nhiên, điều này có thể gây khó khăn khi bạn phải ở đúng vị trí của mình, làm mất đi sự tin tưởng và tôn trọng từ họ.
Thay vào đó, bạn hãy: Chủ động trò chuyện với từng người để làm rõ kỳ vọng của họ khi bạn ở vai trò lãnh đạo.
Bạn có thể giải thích rằng có một số điều phải thay đổi để team cùng tiến tới trong công việc. Ví dụ, bạn có thể nói: “Chị và em cần … để chị có thể hỗ trợ em tốt nhất trong công việc ở giai đoạn này”.
Sai lầm 4: Chỉ nghĩ đến mục đích của doanh nghiệp và bản thân mà quên mất lợi ích của team.
Nhiều lãnh đạo mới tập trung quá nhiều vào mục tiêu cá nhân và lợi ích của doanh nghiệp, bỏ qua nhu cầu và cảm xúc của đội ngũ. Điều này có thể làm giảm sự gắn kết và động lực của nhóm.
Thay vào đó, bạn hãy: Quan tâm đến team của bạn nhiều hơn.
Bạn có thể chọn những buổi meeting của team hoặc những buổi 1:1 trực tiếp để lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu của họ. Trong doanh nghiệp, khi bạn ưu tiên con người, họ sẽ có động lực, cam kết hơn trong công việc và tin tưởng lãnh đạo nhiều hơn.
Kết
Xây dựng niềm tin là nền tảng vững chắc cho mọi mối quan hệ lãnh đạo – nhân viên. Hãy luôn ghi nhớ rằng uy tín, độ tin cậy, sự thân thiết và tinh thần đồng đội là những yếu tố không thể thiếu. Đừng để những sai lầm nhỏ làm mất đi sự tin tưởng quý báu từ đội ngũ của bạn. Hãy lắng nghe, thấu hiểu và hành động một cách chân thành. Khi bạn đặt lòng tin vào nhân viên, họ sẽ đặt lòng tin vào bạn và cùng bạn vượt qua mọi thử thách.